CÁCH THỨC ĐỌC – TỤNG
A) Đọc – Tụng lần lượt từ mục số 01 đến hết mục số 12 là hoàn mãn một thời khóa.
B) Trong trường hợp có quá ít thời gian do bận rộn hoặc trong gia đình ít thành viên, phải tự mình làm mọi việc, hành giả có thể tỉnh lược Nghi thức dẫn nhập và Nghi thức sám nguyện. Chỉ cần giữ các mục: “2. Đảnh lễ Tam Bảo” (tô màu), “5. (các) bài Kinh chính” (tô màu), “10. Hồi hướng công đức” (tô màu) và “12. Đảnh lễ Ba Ngôi Báu” (tô màu) là đủ cho một thời tụng kinh. Với cách linh động này, mục tiêu “khai tuệ” do đọc kinh và tâm sùng kính Tam Bảo vẫn được thể hiện đầy đủ.
NGHE TỤNG-ĐỌC: Kinh Soi Gương Nhân Cách
1. NGUYỆN HƯƠNG
(Chủ lễ quỳ ngay thẳng, xướng bài Nguyện hương. Gia chủ đồng mặc niệm và quán tưởng theo lời Nguyện)
Nam-mô Bổn Sư Thích-ca Mâu-ni Phật. O
Trên sen báu, hào quang rạng rỡ
Đức Năng Nhơn tướng hảo huy hoàng,
Hóa thân cứu độ mười phương,
Cúi đầu đảnh lễ, đạo tràng quy y.
Đèn chánh pháp rạng ngời khắp chốn,
Đạo từ bi phổ biến muôn nơi.
Tăng Ni đạo lực sáng ngời,
Tại gia tu học, thảnh thơi, an nhàn.
Cầu thế giới hòa bình, phát triển
Mong nước nhà hưng hiển, tự do,
Mọi người hạnh phúc, ấm no,
Khắp nơi yên ổn, không lo lắng gì.
Chúng con nguyện, đời đời kiếp kiếp,
Được thân người, học Phật tu nhân,
Xa lìa biển khổ trầm luân,
Tấn tu đạo nghiệp, viên thành quả cao.
Nam-mô Hương Cúng Dường Bồ-tát. (3 lần) O
2. ĐẢNH LỄ TAM BẢO
PHẬT là đấng giác ngộ mình,
Độ người thoát khỏi tử sinh bao đời,
Từ bi, trí tuệ rạng ngời,
Là thầy ba cõi trời người xưa nay.
Chí tâm đảnh lễ tất cả Đức Phật ba đời thường trú trong mười phương. (1 lạy) O
PHÁP là phương thuốc diệu thay,
Chữa lành bệnh khổ bao loài chúng sanh,
Như vầng trăng sáng lung linh,
Soi đường ra khỏi u minh mê mờ.
Chí tâm đảnh lễ tất cả Tôn Pháp ba đời thường trú trong mười phương. (1 lạy) O
TĂNG là những bậc chân tu,
Biết đời huyễn mộng, giã từ ra đi,
Thấm nhuần trí tuệ, từ bi,
Độ đời thoát khỏi tham … si khổ sầu.
Chí tâm đảnh lễ tất cả Hiền Thánh Tăng ba đời thường trú trong mười phương. (1 lạy) OOO
3. TÁN HƯƠNG
(Đại chúng đứng thẳng và chắp tay trước ngực. Duy-na và Duyệt Chúng khai chuông mõ. Từ đây trở đi, chủ lễ xướng và gia chủ cùng tụng theo).
Lò hương vừa bén chiên đàn
Tỏa xông pháp giới đạo tràng mười phương
Hiện thành mây báu cát tường
Xin Phật chứng giám tâm hương chí thành
Pháp thân các Phật tịnh thanh
Chứng minh hương nguyện, phước lành rưới ban.
Nam mô Hương Vân Cái Bồ-tát. (3 lần) OOO
4. TÁN DƯƠNG GIÁO PHÁP
Pháp Phật cao siêu, lý rộng sâu
Trăm ngàn muôn kiếp khó tìm cầu
Nay con gặp được xin trì tụng
Nguyện hiểu chân Kinh nghĩa nhiệm mầu.
Nam-mô Khai Pháp Tạng Bồ-tát. (3 lần) OOO
5. CHÁNH KINH
KINH SOI GƯƠNG NHÂN CÁCH
THỈNH NGUYỆN SOI SÁNG
Tôi nghe như vầy, có một thuở nọ, ngài Mục-kiền-liên đang sống với người thuộc dòng Bhagga trong vườn Lộc Uyển, rừng Bhe-sa-kăm. Có một hôm nọ, ngài Mục-kiền-liên gọi các Tỳ-kheo và dạy như sau:
– Thưa các hiền giả, nếu có Tỳ-kheo muốn thỉnh nguyện rằng: “Mong các tôn giả góp ý cho tôi, mong rằng tôi được các vị chỉ giáo”. Nhưng nếu vị ấy là người khó nói, hoặc đủ tính cách trở nên khó nói, không có kham nhẫn, không chịu đón nhận với lòng trân trọng những điều được dạy thì những đồng tu sẽ suy nghĩ rằng vị Tỳ-kheo ấy không đáng nói đến, nói chi giáo huấn và đặt lòng tin”. O
ĐỪNG TRỞ THÀNH NGƯỜI KHÓ GÓP Ý
– Thưa các hiền giả, bất kỳ người nào bị sự chi phối của các tính cách ác dục, phẫn nộ, khen mình chê người, sẽ trở thành người rất là khó nói. Khi bị tâm lý phẫn nộ chi phối, các tính cách sau lần lượt xuất hiện: hiềm hận, cố chấp, thốt lời dễ ghét, chống đối, chỉ trích, chất vấn lại người đã góp ý mình; có tâm lẩn tránh, trả lời ngoài lề, để lộ phẫn nộ, sân hận, bất mãn; không chịu giải trình hành động của mình cho người hiểu rõ; hư ngụy, não hại; tật đố, xan tham; dối gian, lường gạt; ngoan mê, quá mạn; dính mắc thế tục, cố chấp tư kiến, không chịu buông xả. Các tâm lý trên chính là tính cách làm cho một người trở nên khó nói. Nếu ai diệt trừ các tính cách ấy sẽ trở thành người có thể góp ý. O
SO SÁNH HỌC HỎI
– Thưa các hiền giả, để dứt trừ được các tánh cách xấu, hành giả cần phải tâm niệm chính mình bằng sự so sánh với những người khác: “Ta không thích người bị tâm ác dục chi phối, hoành hành. Nếu tâm ta bị ác dục chi phối, chắc chắn người khác sẽ không thích ta”. Khi biết như vậy hành giả cần phải nêu quyết tâm sau: “Ta sẽ không bị ác dục chi phối”.
– Tương tự như vậy, hành giả thực tập tâm niệm bản thân bằng sự so sánh với những người khác, biết rõ được rằng khi người khác có các tính cách xấu, ta không thích họ, thì khi ta có các tính xấu ấy, người khác cũng sẽ không quý mến ta. Nhờ vậy quyết tâm từ bỏ tánh xấu: “Ta sẽ không bị các tính cách xấu tác động chi phối như là phẫn nộ, khen mình chê người, hiềm hận, cố chấp, thốt lời dễ ghét, chống đối, chỉ trích, chất vấn lại người đã góp ý mình; có tâm lẩn tránh, trả lời ngoài lề, để lộ phẫn nộ, sân hận, bất mãn; không chịu giải trình hành động của mình cho người hiểu rõ; hư ngụy, não hại; tật đố, xan tham; dối gian, lường gạt; ngoan mê, quá mạn; dính mắc thế tục, cố chấp tư kiến, không chịu buông xả. O
SOI SÁNG BẢN THÂN
– Này các hiền giả, cần phải quán sát bản thân như sau: “Ta còn ác dục, bị các ác dục chi phối hay không?” Sau khi quán sát, biết rõ ràng rằng: “Ta còn ác dục, bị các ác dục tác động chi phối” thì hành giả đó hết lòng tinh tấn dứt trừ các ác và pháp bất thiện. Nếu khi quán sát biết rõ ràng rằng ta không còn dục, không bị ác dục dắt dẫn chi phối, thì hành giả đó khởi tâm hoan hỷ, ngày đêm tinh chuyên thực hành pháp lành. Tương tự như vậy, hành giả áp dụng quán sát tất cả tâm lý còn lại. O
Giống như trường hợp, có một thiếu nữ hay một thanh nam, đương tuổi thanh xuân, tánh ưa trang điểm, tự quán sát mặt trong một tấm kiếng sạch và trong suốt, hay một bát nước không có cáu bẩn. Khi thấy bụi bặm bám trên mặt mình, người ấy tinh tấn chùi sạch bụi bặm và vết nhơ bẩn. Nếu mặt không dơ, người ấy hoan hỷ và tâm niệm rằng: “Thật sự ta được những điều tốt đẹp; thật sự ta được gương mặt trong sạch”.
Khi nghe tôn giả Đại Mục-kiền-liên thuyết giảng như vậy, tất cả Tỳ-kheo và người có mặt đều rất hoan hỷ, phát tâm thọ trì, truyền bá kinh này. O
Nam-mô Bổn Sư Thích-ca Mâu-ni Phật. O
6. SÁM NGUYỆN – BÁT-NHÃ TÂM KINH
Quán Tự Tại thực hành trí tuệ,
Bát-nhã ba-la-mật sáng ngời,
Bấy giờ Bồ-tát quán soi,
Thấy rằng năm uẩn ba đời đều không. O
Vượt tất cả các vòng khổ ách,
Hãy nghe này, Xá-lợi-phất ông!
Sắc nào có khác gì không,
Không nào khác sắc, sắc không vốn đồng. O
Cả thọ, tưởng, thức, hành cũng thế,
Tánh chân không các pháp viên thành
Thảy đều chẳng diệt, chẳng sanh,
Chẳng nhơ, chẳng sạch, chẳng tăng giảm gì. O
Trong chân không chẳng hề có sắc,
Chẳng thọ, tưởng, hành, thức trong không.
Mắt, tai, mũi, lưỡi, ý, thân,
Sắc, thanh, vị, xúc, pháp, hương không còn. O
Không nhãn thức đến không ý thức,
Không vô minh hoặc hết-vô-minh,
Không điều già chết chúng sanh,
Hết già, hết chết thực tình cũng không.
Không trí huệ cũng không chứng đắc,
Bởi có gì là chỗ đắc đâu.
Bấy lâu Bồ-tát dựa vào,
Trí ba-la-mật, thẳm sâu thực hành,
Mọi chướng ngại quanh mình tan biến,
Mọi việc đều chẳng khiến hoảng kinh,
Xa lìa mộng tưởng đảo điên,
Niết-bàn rốt ráo an nhiên thanh nhàn. O
Bát-nhã ấy rõ ràng trí tuệ,
Mà ba đời chư Phật nương vào,
Chứng thành quả giác tối cao,
Nên xem Bát-nhã thâm sâu đó là: O
Lời thần chú sâu xa bậc nhứt,
Lời chú thần rất mực quang minh,
Chú thần cao cả anh linh,
Là lời thần chú thật tình cao siêu,
Trừ dứt được mọi điều đau khổ,
Đúng như vầy muôn thuở không sai.
Ngài liền tuyên nói chú này,
Để người trì niệm sáng bày chơn tâm: O
Ga-tê Ga-tê Pa-ra-ga-tê Pa-ra-san-ga-tê Bô-dhi Sva-ha. (3 lần) OOO
7. NIỆM PHẬT
Nam-mô Ta-bà giáo chủ, tam giới Đạo sư,
tứ sinh Từ phụ, nhân thiên Giáo chủ,
thiên bá ức hoá thân, Bổn sư Thích-ca Mâu-ni Phật.
Nam-mô Thích-ca Mâu-ni Phật (18 lần) O
Nam-mô Đại trí Văn-thù-sư-lợi Bồ-tát O
Nam-mô Đại hạnh Phổ-hiền Bồ-tát O
Nam-mô Hộ pháp chư Tôn Bồ-tát O
Nam-mô Đạo tràng Hội thượng Phật Bồ-tát (3 lần) OOO
8. NĂM ĐIỀU QUÁN TƯỞNG
Thế Tôn lời dạy tỏ tường
Năm điều quán tưởng phải thường xét ra:
Ta đây phải có sự già,
Thế nào tránh khỏi lúc qua canh tàn. O
Ta đây bệnh tật phải mang,
Thế nào tránh khỏi đặng an, mạnh lành.
Ta đây sự chết sẵn dành,
Thế nào tránh khỏi tử sanh đến kỳ.
Ta đây phải chịu phân ly,
Nhơn vật quý mến ta đi biệt mà.
Ta đi với nghiệp của ta,
Dù cho tốt xấu tạo ra tự mình,
Theo ta như bóng theo hình,
Ta thọ quả báo phân minh kiết tường. O
9. SÁM MƯỜI NGUYỆN PHỔ HIỀN
Đệ tử chúng con quyết lòng tu tập
Mười hạnh nguyện lớn Bồ-tát Phổ Hiền:
Một là kính lạy Như Lai,
Hai là tán thán bậc Thầy nhơn thiên,
Ba là bố thí mọi miền,
Bốn là chuyển nghiệp oan khiên khổ sầu,
Năm là tùy hỷ lẫn nhau,
Sáu là chuyển pháp nhiệm mầu, thảnh thơi,
Bảy là thỉnh Phật ở đời,
Tám là học Phật an vui tuyệt vời,
Chín là luôn thuận mọi người
Mười là hồi hướng muôn nơi an lành. O
10. HỒI HƯỚNG CÔNG ĐỨC
Tụng kinh tu tập, phước tăng,
Xin đem hồi hướng xa gần, khắp nơi.
Nguyện cho tất cả trời người,
Đều vào cõi Phật, sáng ngời chân tâm. O
Nguyện trừ ba chướng trầm luân,
Sống trong trí tuệ, tịnh thanh cõi lòng.
Nguyện cho tội nghiệp tiêu mòn,
Noi theo Bồ-tát làm tròn tấm gương. O
Nguyện sanh cõi tịnh Tây phương,
Mẹ cha: Chín phẩm sen vàng nêu danh,
Hoa cười, chứng ngộ vô sanh,
Cùng hàng Bồ-tát đồng hành tâm linh. O
Nguyện đem công đức tạo thành,
Hướng về tất cả chúng sanh mọi loài,
Rải ban hạnh phúc muôn nơi,
Giúp người giác ngộ, an vui đạo mầu. (3 xá) OOO
(Hồi hướng đối tượng cụ thể: Chọn 01 trong các đoạn bên dưới hoặc đọc hết)
1 – Cầu An: Chúng con nguyện đem công đức Đọc/Tụng Kinh hôm nay hồi hướng cho Phật tử (tên họ, pháp danh, tuổi), tai ách được tiêu trừ, oan khiên đều dứt sạch, bệnh căn thuyên giảm, gia quyến an khang, lòng tin vào Tam bảo ngày càng sâu, tâm từ với chúng sinh thêm tăng trưởng. O
2 – Cầu Siêu: Chúng con nguyện đem công đức Đọc/Tụng Kinh hôm nay hồi hướng cho cho hương linh (tên họ, pháp danh, ngày từ trần, hưởng thọ), phát tâm tỉnh giác, lìa chốn u minh, khởi niệm từ bi, xa lìa nẻo ác, tin sâu Tam bảo, sinh về cõi Phật an vui. Mong Quý vị hoan hỷ với công đức này, được an vui, tái sanh nơi nhàn cảnh.O
3 – Chúng con nguyện đem công đức Đọc/Tụng Kinh hôm nay hồi hướng cho Cửu Huyền Thất Tổ, bà con quyến thuộc nhiều đời nhiều kiếp… tai ách được tiêu trừ, oan khiên đều dứt sạch, phát tâm tỉnh giác, lìa chốn u minh, khởi niệm từ bi, xa lìa nẻo ác, tin sâu Tam bảo, sinh về cõi Phật an vui. Mong Quý vị hoan hỷ với công đức này, được an vui, tái sanh nơi nhàn cảnh.O
Khắp nguyện: Người mất siêu thăng, kẻ còn phúc lạc, năm châu an định, bốn biển thanh bình, tình với vô tình đều thành Phật đạo.
Nam-mô Bổn Sư Thích-ca Mâu-ni Phật. O
11. LỜI NGUYỆN CUỐI
(Chủ lễ quỳ chắp tay, tha thiết nguyện; đại chúng mặc niệm)
Nam-mô Bổn Sư Thích-ca Mâu-ni Phật. O
Trời giác ngộ muôn nơi sáng tỏ,
Bánh xe pháp vận chuyển không dừng.
Tăng ni, đạo lực thậm thâm,
Phật tử, tín tâm kiên cố.
Nguyện nhà nhà hạnh phúc, an khang,
Cầu thế giới hòa bình, hưng thịnh.
Đời đời làm bà con Phật pháp,
Kiếp kiếp làm quyến thuộc từ bi.
Mọi người biết tu học điều lành,
Bốn biển được mưa hòa, gió thuận. O
Chúng con phát nguyện:
Tạo thêm công đức, dứt hết lỗi lầm,
Phủi sạch não phiền, trau dồi tuệ giác.
Học theo Trung đạo, tu hạnh nhất thừa,
Tinh tấn sớm trưa, cầu thành Phật đạo. O
Nam-mô Thường Trụ Tam Bảo. (3 xá) OOO
12. ĐẢNH LỄ BA NGÔI BÁU
Con xin nương tựa Phật,
Bậc Phước Trí Viên Thành,
Cầu tất cả chúng sanh
Giác ngộ, phát tâm lành. (1 lạy) O
Con xin nương tựa Pháp,
Nguồn tuệ giác, từ bi,
Cầu tất cả chúng sanh
Hiểu đạo, tỏ nguồn tâm. (1 lạy) O
Con xin nương tựa Tăng,
Đoàn thể sống an vui,
Cầu tất cả chúng sanh
Hòa hợp, thương mến nhau. (1 lạy) O
Leave a Comment
Your email address will not be published. Required fields are marked with *